hidden

Thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ

  • 28/06/2022
  • 306
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Khoảng 20 - 30 năm về trước, lúc đó việc đọc sách, đọc truyện trở thành thói quen của đông đảo mọi người, nhất là đối với lứa tuổi học trò, lớp thanh niên. Mọi người háo hức chuyền tay nhau những cuốn sách sờn rách, thậm chí thiếu trang, mất chữ, ngấu nghiến đọc rồi hả hê cùng túm năm, tụm ba tranh luận với nhau về những gì vừa đọc. Đó là những kỷ niệm đẹp còn in đậm nét trong tâm trí nhiều người thuộc các thế hệ 6X, 7X thời ấy.

Ảnh minh họa

Giới trẻ thờ ơ với sách

Đọc sách là cách tự trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho mỗi người, là con đường tốt nhất để hình thành nhân cách, hướng tới Chân, Thiện, Mỹ của cuộc sống. Thị trường sách Việt đang phát triển như vũ bão nhưng một nghịch lí là ngày càng có ít người thích đọc sách, nhất là đại bộ phận giới trẻ.

Các thầy cô giáo cho biết, hầu hết học sinh giờ đây không có thói quen đọc sách. Cùng lắm các em cũng chỉ đọc sách giáo khoa hoặc cùng lắm là thêm vài cuốn nhằm mục đích phục vụ cho việc học của mình mà thôi. Khi được hỏi có thường xuyên đọc sách hay không, Nguyễn Nhật Hạ, học sinh lớp 6 của một trường THCS trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội trả lời rằng cháu không thích vì “đọc sách tốn thời gian”. Có vài em trả lời có đọc nhưng chỉ đọc mấy cuốn truyện tranh như: “Đoremon”, “Dũng sĩ Herman”, “Bảy viên ngọc rồng” hoặc vài cuốn truyện tranh của Nhật Bản. Với sách văn học, hầu hết các em đều "chưa đọc bao giờ".


Ảnh minh họa

Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân khiến chất lượng giảng dạy môn Văn ở nhà trường hiện nay trở nên yếu kém, sa sút đến độ đáng lo ngại. Vốn từ ngữ của các em rất nghèo nàn, nói năng cộc lốc, vụng về. Viết một bài văn tại lớp mà nhiều em cố “nặn” mãi mới viết được hơn chục dòng với cách sử dụng ngôn từ hết sức ngây ngô vụng dại, cách diễn đạt lủng củng còn lỗi chính tả và sai ngữ pháp thì nhiều vô kể.

Anh Nguyễn Hùng Sơn - Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngày nay thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho biết: Tôi thường đi công tác ở các nước Châu Âu. Ở những nơi như bến xe buýt, nhà ga, sân bay, trên các phương tiện công cộng, tôi vẫn hay gặp cảnh các bạn trẻ chăm chú đọc sách, báo, tạp chí. Tôi từng hỏi một nhóm bạn đang đọc sách khoa học, rằng các bạn đọc sách đó có phải vì trong lớp đang ra đề tài về tác giả này. Các bạn đó nói họ sẽ không đọc nếu chỉ vì giáo viên yêu cầu hay đề xuất, họ thích đọc những gì họ thấy cần thiết và thú vị.

Đẩy mạnh công tác xuất bản

Sách và hoạt động xuất bản là một bộ phận của công tác tư tưởng, văn hóa, có sứ mệnh truyền bá, nâng cao tri thức cho cộng đồng. Giống như các ngành nghề, lĩnh vực khác, nếu xây dựng được Chiến lược sách quốc gia phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và nhu cầu tiếp cận tri thức của người dân, thì đây sẽ là “kim chỉ nam” cho hoạt động xuất bản, từ đó thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định, hoạt động xuất bản ở nước ta những năm gần đây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ với gần 2.000 cơ sở in, 14.000 cơ sở phát hành. Năm 2018, có hơn 33.000 xuất bản phẩm với 430,1 triệu bản đưa ra thị trường. Nhờ đó, tỷ lệ hưởng thụ sách bình quân trên đầu người năm 2018 đạt 4,3 bản/người/năm, dự kiến năm 2019 đạt 4,6 bản/người/năm.

Tuy nhiên, cơ cấu sách còn bất hợp lý. Về số bản sách, sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo chiếm 84,9%; sách chính trị, pháp luật chiếm 1,2%; sách văn học chiếm 1,9%; sách cho thiếu nhi chiếm 5,3%... Sự phân chia nội dung ở các mảng sách cũng chênh lệch, thiếu những công trình, tác phẩm có giá trị cao, nhiều sách chạy theo nhu cầu đơn thuần của độc giả, thực hiện dễ dãi.

Nhìn ra thế giới, các nước có nền xuất bản mạnh, văn hóa đọc phát triển đều xây dựng chiến lược sách quốc gia và triển khai hiệu quả. Điển hình là Hàn Quốc, cách đây 30 năm, nước này chưa có mặt trên bản đồ xuất bản thế giới. Song, bằng việc tạo dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho sách và văn hóa đọc, hình thành những trung tâm xuất bản, in ấn hiện đại, đặc biệt là thành lập Viện Chiến lược xuất bản với những hoạch định khoa học, hiệu quả, lĩnh vực xuất bản của Hàn Quốc đã “cất cánh”, thành nền xuất bản đứng thứ tư Châu Á.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo và nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Hà (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật), việc xây dựng Chiến lược sách quốc gia Việt Nam sẽ cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xuất bản; là giải pháp đồng bộ nhằm phát huy thế mạnh truyền thông của xuất bản, như giới thiệu những thành tựu đổi mới của đất nước tới người dân và bạn bè quốc tế, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho công chúng. Chiến lược sách quốc gia cũng được xem là một trong những giải pháp mang tính đột phá để những người làm xuất bản định hướng đầu tư, tạo ra những tác phẩm có giá trị.

Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, việc xây dựng Chiến lược sách quốc gia hiện nay rất thuận lợi vì chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động xuất bản khá đầy đủ và đồng bộ.

Tuy nhiên, để triển khai xây dựng Chiến lược cần sự chung tay của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhiều bộ, ngành liên quan và giới hoạt động xuất bản. Cùng với đó, Ban Xây dựng chiến lược phải khảo sát thực trạng và tỷ lệ các thể loại, nguồn đầu tư sách, nhu cầu của độc giả, từ đó dựng “bức tranh” về hiện tại, tương lai cho sách.

Theo đề xuất của thạc sĩ Nguyễn Hoài Anh (Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật), Chiến lược sách quốc gia đòi hỏi phải được xây dựng theo từng lĩnh vực, chuyên ngành, như chính trị - xã hội, văn học - văn hóa, thiếu nhi… để bảo đảm tính toàn diện. Trong đó, cần phát huy, bảo tồn, gìn giữ những tác phẩm, xuất bản phẩm có giá trị với đất nước; chú trọng đến người yếu thế trong xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số…

Giám đốc Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam Vũ Trọng Đại lại cho rằng, bước vào kỷ nguyên số, nhu cầu và hình thức đọc sách của độc giả thay đổi, không chỉ trên giấy, vì vậy, Chiến lược sách quốc gia cần vạch ra hướng phát triển xuất bản phẩm điện tử - lĩnh vực gần đây Việt Nam đang chuyển động khá chậm, chỉ chiếm 0,3% trong số xuất bản phẩm/năm. Bên cạnh đó, việc cân đối tỷ lệ giữa sách của tác giả trong nước và sách dịch cũng cần được lưu ý.

Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/thuc-day-van-hoa-doc-trong-gioi-tre-33211.html


  • Thư viện