hidden

Cuộc đời có phép nhiệm màu: Tôi là Lê Thảo Duyên - tân sinh viên báo chí Đại học Huế!

  • 06/09/2024
  • 83
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Nhân vật chương trình Tiếp sức đến trường báo Tuổi Trẻ 2024 - Lê Thảo Duyên, cô gái 19 tuổi với 4 lần đeo tang người thân, đã gửi đến bạn đọc bài viết như một lời tri ân. Duyên vừa nhập học, trở thành tân sinh viên báo chí ĐH Khoa học - Đại học Huế.

 Cuộc đời có phép nhiệm màu: Tôi là Lê Thảo Duyên - tân sinh viên báo chí Đại học Huế! - Ảnh 1.

 Lê Thảo Duyên đã nhập học, cô chính thức trở thành sinh viên báo chí, Trường đại học Khoa học Huế - Ảnh: TRẦN MAI

Khi vào lớp 12 tôi nghĩ tiền đâu học đại học và đã mừng vui được khi tìm thấy thể lệ đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường. Nhưng sau bài viết về cuộc đời tôi được đăng trên Tuổi Trẻ, tôi đón nhận yêu thương vượt ngoài suy nghĩ.

Chỉ trong một vài ngày, cuộc đời tôi rẽ sang một hướng tốt đẹp hơn thông qua chương trình học bổng và bài báo. 

Chẳng thể kể hết sự động viên, sẻ chia, tiếp sức của mọi người giúp tôi và con trai tôi không đơn độc và hơn hết tôi thật sự tin vào lòng tốt trên đời này sau nhiều đau thương không mong muốn

19 năm sống trên đời, tôi chưa khi nào tự tin như lúc này. Và mang một lòng biết ơn sâu sắc.

Cảm ơn bài báo nhắc lại con đường tôi đi

Tôi đã từng chìm đắm trong tháng năm cô đơn, một mình một lối, chẳng biết kiếm tìm ánh sáng ở nơi nào. Trong tháng ngày ấy, có lẽ thứ khiến tôi đau đớn nhất là việc thiếu vắng đi sự yêu thương, đùm bọc của gia đình.

Tôi từng vừa đạp xe dưới mưa vừa gào khóc, vì nhìn thấy bữa cơm đủ đầy của một gia đình khác… Ước gì tôi có một gia đình trọn vẹn, được cha mẹ dắt tới trường.

Nhưng rồi, cũng có những tình thương khác đã dần bù đắp lại những thiếu thốn thuở bé thơ của tôi, đó là tình thương của bà, của những người hàng xóm nơi vùng quê mà tôi sống, là giúp đỡ của thầy cô dưới những mái trường tôi theo học. 

Những chia sẻ, hỗ trợ của những nhà hảo tâm trên con đường đến trường của tôi thật quý giá. Và hơn hết, chính yêu thương của mọi người đã chữa lành những niềm riêng mà tôi từng nghĩ không ai thấu cảm được.

Lúc phóng viên báo Tuổi Trẻ liên hệ nói về học bổng Tiếp sức đến trường, tôi rất mừng. 

Trong cuộc trao đổi tại nhà, tôi kể lại hành trình của mình cho phóng viên. Nhưng rồi chính tôi đã khóc khi đọc cuộc đời mình từ bài viết đăng trên Tuổi Trẻ ngày 17-8. Lần đầu tiên có người tóm lược cuộc đời tôi. Thì ra lâu rồi tôi cứ lầm lũi đi, không nghĩ mình đã trải qua những ngày khốn khố đến thế.

Cô gái '4 lần đeo tang': Cuộc đời tôi đã có phép nhiệm màu! - Ảnh 2.
          Đại diện một công ty ở Quảng Ngãi tặng Duyên chiếc xe máy để đi học - Ảnh: TRẦN MAI

Những người ơn đã quen, chưa từng quen và giọt nước mắt của tôi

Tôi đón nhận sự giúp đỡ của nhiều người trong những năm tháng qua. Nhưng chưa khi nào tôi nhận yêu thương nhiều như sau bài báo. Rất nhiều cô chú, anh chị tôi chưa từng biết mặt đã động viên, tiếp sức cho hành trình bước vào giảng đường của tôi. 

Và hơn hết, tôi hạnh phúc khi nỗ lực của riêng mình trở thành động lực của rất nhiều người có hoàn cảnh như mình.

Hôm tôi lên tàu hỏa ra Huế nhập học, ngồi trên tàu, lướt qua cuốn sổ ghi chép thời gian từ ngày 17-8 đến nay, thời gian ngắn mà yêu thương lại quá nhiều. Tôi tự hỏi nếu không có bài viết ấy, lúc này tôi cũng đang trên đường nhập học, nhưng sẽ cô đơn và vất vả hơn nhiều.

 

Thưa cô chú, anh chị đã dành yêu thương cho tôi. Lý do mà tôi nói nhiều về cuộc đời mình từ khi tiếp xúc với học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ bởi có những câu chuyện mà chắc chắn sẽ không mờ đi trong đời mình. 

Đó là hình ảnh bà Vân (60 tuổi, xã Tịnh Đông) dù rất vất vả, một mình nuôi 4 người cháu, vậy mà sau khi đọc bài viết bà khóc rất nhiều, bà ôm lấy tôi, dúi vào tay 300.000 đồng, dặn dò đủ điều trước khi tôi đi học xa. Đó như một lời nhắc, để tôi cố gắng hơn, sau này ổn định sẽ quay lại tiếp sức cho bao cảnh đời khốn khó như mình đã trải qua.

Trong đám học trò nhỏ mà tôi dạy thêm, có một cô bé lớp 3 mồ côi cha (đã theo học thêm với tôi 2 năm), em thì đau ốm triền miên. Sau buổi học cuối, cô bé cầm theo bộ đồ mới cho Gạo đựng trong chiếc túi ni lông đen, tay cầm thêm 50.000 đồng đưa tôi. Em vừa khóc vừa nói tiếng "cảm ơn" và chúc tôi học tốt… Tôi đã khóc rất nhiều vì điều ấy, những người có số phận khác gì tôi, vậy mà họ vẫn sẵn sàng chia sẻ và cho đi.

Tôi thấy những phép nhiệm màu trong cuộc đời mình.

Cô gái '4 lần đeo tang': Cuộc đời tôi đã có phép nhiệm màu! - Ảnh 3.

Sau bài viết, Duyên đón nhận nhiều yêu thương, cô cảm ơn mọi người đã bên cạnh mình - Ảnh:TRẦN MAI

Tôi là Lê Thảo Duyên - tân sinh viên báo chí Đại học Khoa học Huế

Thú thực, có thời gian tôi đã từng nói với mình cố gắng học xong THPT, rồi đi làm công nhân nuôi con. Đã không biết bao nhiêu lần tôi bật khóc trong đêm khi nghĩ về ngày mai của chính mình vào Gạo… 

Nhưng sau những điều ấy, tôi vẫn lựa chọn sự cố gắng. Bởi tôi không thể nào phó mặc số mạng mình đến đâu thì đến. Giờ tôi tin quyết định bước tiếp là sáng suốt nhất.

Lúc này đã nhập học xong, tôi xin tự giới thiệu với tất cả mọi người đang dõi theo mình "Tôi là Lê Thảo Duyên, sinh viên khoa báo chí - Trường đại học Khoa học - Đại học Huế!". Ước mơ trở thành nhà báo của tôi nhờ bao tấm lòng mà rộng mở. Tôi hứa sẽ nỗ lực, quyết tâm, Thảo Duyên sẽ không phụ kỳ vọng của bất kỳ ai đã và đang dành cho mình.

Cô gái '4 lần đeo tang': Cuộc đời tôi đã có phép nhiệm màu! - Ảnh 4.

Trước khi đi học, Duyên đón nhận nhiều sự yêu thương, động viên của mọi người - Ảnh  TRẦN MAI

Lúc tôi từ ga Huế đến trước cổng Trường đại học Khoa học Huế, tôi nhìn ngôi trường và khóc. Tôi biết ơn lắm ạ. Nếu không có sự yêu thương, đích đến của tôi khó nhọc hơn nhiều, và biết đâu đã rẽ đi một hướng khác tăm tối.

Làm sao để trả hết những ơn nghĩa mà cuộc đời đã cho tôi! Cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành từ tận đáy lòng mình tới học bổng Tiếp sức đến trường, tới báo Tuổi Trẻ và các tổ chức, ban ngành, đoàn thể và cá nhân đã hỗ trợ và đồng hành cùng tôi trên con đường của mình. 

Cầu chúc mọi người sẽ thật bình an trong cuộc sống, luôn mạnh khỏe, thành công trên mọi hành trình và gặp được những duyên lành trong đời! Con/cháu/em/mình xin cúi đầu cảm ơn!

 

LÊ THẢO DUYÊN 

Nguồn: Báo tuổi trẻ


  • Thư viện