Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ y tế, tài chính, sản xuất đến giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học… Đặc biệt, trong học tập và nghiên cứu - hai lĩnh vực đòi hỏi khả năng tư duy, sáng tạo và xử lý thông tin… AI đã mở ra nhiều hướng đi mới, hỗ trợ con người tiếp cận tri thức nhanh chóng, hiệu quả và cá nhân hóa.
Với ý nghĩa đó, chiều ngày 16/5/2025, Trung tâm Thông tin và Thư viện, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã tổ chức thành công Talk show AI thực chiến đối với sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Talkshow đã thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên, nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng thiết thực trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào học tập và nghiên cứu khoa học.
TS. Bùi Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc
TS. Bùi Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định, sử dụng công nghệ hỗ trợ học tập, nghiên cứu khoa học là cách tiếp cận quan trọng để bắt kịp xu thế phát triển công nghệ trên thế giới. Chương trình Talkshow là một trong chuỗi các hoạt động của Nhà trường với mục đích trang bị kỹ năng về năng lực số cho người học, một trong những điểm mạnh nổi bật nhất của AI trong giáo dục là khả năng cá nhân hóa quá trình học tập và nghiên cứu. Các hệ thống học tập thông minh có thể phân tích dữ liệu học tập của từng người học (kết quả bài kiểm tra, thói quen học, thời gian tiếp thu kiến thức...) để từ đó đưa ra lộ trình học tập riêng biệt, phù hợp với trình độ và mục tiêu cá nhân.
TS. Nguyễn Đăng Bình - Trưởng bộ môn Khoa học máy tính, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học trao đổi với sinh viên tại chương trình.
Tại chương trình, các diễn giả đã giới thiệu và phân tích hiệu quả thực tiễn của hơn 15 công cụ AI đang góp phần thay đổi phương pháp học tập hiện đại của sinh viên, gồm các công cụ như: Chat GPT giúp diễn giải bài học, luyện tập phản biện và kiểm tra kiến thức; Gemini (Google) tổng hợp thông tin đa nguồn mạnh mẽ, lý tưởng cho tìm kiếm học thuật mở rộng; Copilot (Microsoft) trợ lý thông minh ngay trong Word, Excel, PowerPoint giúp soạn bài, tạo biểu đồ, phân tích dữ liệu… Cùng các công cụ chuyên biệt như: Notion AI, SlidesGPT, Perplexity, Elicit, Quillbot, Canva AI, Tome AI…
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện chuyển đổi số và học liệu, Đại học Huế trao đổi với sinh viên tại chương trình.