Sáng 24/10/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Đại sứ Văn hóa đọc 2024.
Toàn cảnh Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2024
Tham dự Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi có bà Trịnh Thị Thủy – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Huy Ngọc – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, bà Kiều Thúy Nga – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ VHTTDL, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, ông Nguyễn Thái Bình – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao của các tỉnh/thành phố, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành,thư viện lực lượng vũ trang, thư viện Đại học, cơ sở đào tạo ngành thư viện; các cá nhân, tập thể đạt Giải thưởng.
Đại biểu tham dự tại Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi
Cuộc thi là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên trên toàn quốc nhằm khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Cuộc thi khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa đọc trong việc góp phần lan tỏa tri thức, nâng cao dân trí, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đối với thế hệ trẻ.
Nhận xét, đánh giá về Cuộc thi, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Giám khảo cho biết: Năm 2024, số lượng bài dự thi, số lượng các cơ sở giáo dục có học sinh tham gia tăng lên, cơ cấu giải hợp lý, cân đối giữa hình thức thi bài viết và video. Hầu hết các bài dự thi ở cả hai hình thức đều thực hiện tốt yêu cầu, thể lệ Cuộc thi. Các cuốn sách được giới thiệu là những cuốn sách gần gũi, quen thuộc, nhiều cuốn mới xuất bản, tỷ lệ sách Việt Nam cao. Nhiều bài viết sáng tạo, trình bày đẹp, nét chữ đẹp, nội dung hấp dẫn, cuốn hút. Nhiều bài dự thi video được xây dựng công phu, có đầu tư, có ý thức sử dụng bản quyền tư liệu, hình ảnh. Các sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc phù hợp với lứa tuổi các em, có nhiều sáng kiến thiết thực và khả thi. Tuy nhiên, vẫn có một số bài lạc đề, hoặc chưa chú trọng vào trọng tâm, dàn trải. Một số bài quá chú trọng hình thức mà mỏng về nội dung, có bài dự thi có khối lượng kích thước lớn, vui mắt, sáng tạo nhưng cồng kềnh và truyền tải ít nội dung…
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Giám khảo nhận xét Cuộc thi
Phát biểu tổng kết tại buổi Lễ, bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viên, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: năm 2024 là năm thứ 5 Bộ VHTTDL tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc dành cho học sinh và sinh viên trên phạm vi cả nước. Bộ đã xây dựng Kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai cuộc thi, ban hành thể lệ, câu hỏi, hình thức tổ chức gửi tới các cơ quan, đơn vị, địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện. Năm nay, Thể lệ Cuộc thi có điểm mới là Ban Tổ chức chỉ tiếp nhận các bài dự thi đạt giải cao tại Vòng Sơ khảo, chú trọng hướng tới chất lượng bài thi và hiệu quả của Cuộc thi, Đề thi giúp thí sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo xây dựng kế hoạch hành động hoặc sáng kiến nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng hướng đến đối tượng cụ thê là trẻ em, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật chữ in, người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viên, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu tổng kết Cuộc thi
Sau 04 tháng phát động và triển khai, Vòng Sơ khảo Cuộc thi đã thu hút 1.686.865 học sinh, sinh viên từ gần 9.200 cơ sở giáo dục tham gia. Một số tỉnh/thành và đơn vị đã triển khai cuộc thi sớm, có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lương có thể kể đến như: Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Tĩnh…
Ban Tổ chức đã nhận được 517 bài dự thi đạt giải cao tại Vòng Sơ khảo từ 60 tỉnh/thành, Hội Người mù Việt Nam, các trường đại học/học viện thuộc Bộ Quốc phòng và 43 trường cao đẳng, đại học/học viện trên cả nước tham gia Vòng Chung kết. Qua quá trình tổng hợp và chấm giải, kết quả cho thấy đa số thí sinh tham gia Cuộc thi nghiên cứu kỹ Thể lệ, bám sát nội dung câu hỏi, lựa chọn đề thi phù hợp với năng khiếu, sở trường, thể hiện được kỹ năng viết, thuyết trình và khả năng sáng tạo của học sinh về văn hóa đọc, vai trò của sách trong học tập và cuộc sống, thể hiện niềm say mê đối với sách, chia sẻ kinh nghiệm đọc trong từng trang viết và dành nhiều tâm huyết của mình để thực hiện bài dự thi. Nhiều bài dự thi được chuẩn bị công phu, đảm bảo chất lượng cả về nội dung và kỹ thuật trình bày, có tác dụng giáo dục lớn và có hiệu ứng tốt đối với người xem; nhiều ý tưởng hay, độc đáo, mới lạ đã được đề xuất để khuyến khích học sinh, sinh viên và mọi người đọc sách; nhiều câu chuyện cảm động, cuốn sách hay đã được chia sẻ. Các em đã thể hiện niềm say mê và dành nhiều tâm huyết để thực hiện bài dự thi. Một số video dự thi đã sử dụng thêm ngôn ngữ ký hiệu, phụ đề tiếng anh làm tăng khả năng lan tỏa các chia sẻ và thông điệp khuyến khích mọi người cùng đọc sách.
Phát biểu tại chỉ đạo tại Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã biểu dương gần 1,7 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước đã tham gia Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024; chúc mừng các thí sinh đã vượt qua Vòng Sơ khảo và có bài dự thi ở Vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi. Đây là tín hiệu vui, chứng tỏ sức lan tỏa và sự quan tâm đón nhận của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà trường, gia đình và các em học sinh, sinh viên đối với Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Đặc biệt, qua phóng sự “Đại sứ Văn hóa đọc – Hành trình lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng”, ấn tượng bởi “sức nóng” của Cuộc thi, sự nhiệt tình tham gia dự thi của đông đảo học sinh, sinh viên trên khắp cả nước, trong đó có cả những thí sinh khiếm thị, khuyết tật; hay việc triển khai cuộc thi sớm ở một số tỉnh/thành và đơn vị có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng cao. Điều đó chứng tỏ, nhiều người trẻ đã có nhận thức đúng và quan tâm sâu sắc đến vấn đề văn hóa đọc hiện nay, nhiều em dự thi mong muốn trở thành những đại sứ có thể chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm đọc sách bổ ích, hiệu quả và giới thiệu những nhân vật, cuốn sách hay đã truyền cảm hứng hướng các em tới lối sống tích cực, làm thay đổi nhận thức của chính mình, có trách nhiệm với xã hội và hướng tới hình thành một cộng đồng có văn hóa đọc phát triển.
Bà Trịnh Thị Thủy -Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu chỉ đạo tại Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi
Thứ trưởng mong muốn rằng mỗi tập thể, cá nhân được vinh danh sẽ là những ngọn lửa cùng thắp sáng và lan tỏa tình yêu với văn hóa đọc, để ý nghĩa Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ dừng ở buổi Lễ mà sẽ là động lực để khích lệ, động viên ngày càng nhiều hơn nữa các tổ chức, cá nhân đồng hành, chung tay góp sức phát triển văn hóa đọc bền vững trong cộng đồng.
Ban Tổ chức đã trao 04 Danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu cho: em Đặng Gia Hân, lớp 3A, trường Tiểu học Hưng Dũng 2, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, em Phạm Trung Khải, lớp 8A8, trường THCS Trọng Điểm, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, em Nguyễn Hải Âu, lớp 11 chuyên Sử, trường THPT Chuyên Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, em Lê Bảo Toàn, Binh nhất – Học viên, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng; 08 Giải Nhất; 16 Giải Nhì; 32 Giải Ba; 64 Giải Khuyến khích và 16 Giải Chuyên đề bao gồm: Giải Bài chia sẻ cảm nhận cuốn sách hay nhất, Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất, Kế hoạch/Sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng nhất dành cho các cấp tiểu học, THCS, THPT và bậc đại học; Giải thưởng chuyên đề dành cho đối tượng người khiếm thị; Video dự thi được nhiều người bình chọn nhất; Video dự thi ấn tượng nhất; Bài viết dự thi ấn tượng nhất.
Tại Lễ trao giải, Ban Tổ chức đã trưng bày giới thiệu các bài dự thi của các em học sinh, sinh viên đạt giải cao.
Chiều cùng ngày, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tổ chức Chương trình giao lưu “Đại sứ Văn hóa đọc – Hành trình lan tỏa văn hóa”. Đây là hoạt động kết nối các thí sinh đạt giải tại Cuộc thi nhằm mục đích tạo sự tương tác giữa các em, khích lệ sự đam mê, tình yêu với sách, truyền cảm hứng và thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường và cộng đồng.
Trong đợt này, em Nguyễn Thái Ngọc Hân, sinh viên lớp Lịch sử K47, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, đã đạt giải Khuyến khích tại vòng Chung kết Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2024. Đây là một giải thưởng vô cùng vinh dự cho em Nguyễn Thái Ngọc Hân nói riêng và nhà trườngi trong hành trình lan tỏa văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu sách đến bạn đọc trong toàn trường. Hy vọng em Nguyễn Thái Ngọc Hân luôn phát huy tinh thần Đại sứ văn hóa đọc để truyền cảm hứng và góp phần phát triển văn hóa đọc đến với các bạn sinh viên. Đồng thời Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc những năm tiếp theo, cũng như việc phát triển Văn hóa đọc sẽ luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, các Khoa và các phòng chức năng để tiếp tục phát huy khả năng, truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng.
Em Nguyễn Thái Ngọc Hân, sinh viên lớp Lịch sử K47 nhận giải từ Ban tổ chức
Một số hình ảnh tại Lễ trao giải
Thí sinh đạt giải tham dự Lễ báo công tại Đền Hùng
Nguồn: https://vuthuvien.bvhttdl.gov.vn/le-tong-ket-va-trao-giai-cuoc-thi-dai-su-van-hoa-doc-2024/